Linux Việt nam và Thế giới


Hệ điều hành Linux đang được thế giới Tin học quan tâm và chăm chú theo rõi đặc biệt. Không chỉ phải bởi nó là hệ điều hành miễn phí với mã nguồn mở duy nhất hiện nay, mà còn ở một đặc điểm khác nữa: Linux hiện đã trở thành một hệ điều hành phổ biến nhất trên phạm vi toàn thế giới. Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện có khoảng hơn 10 triệu người trên thế giới đã tham gia và gắn bó chiếc máy tính của mình với Linux. Vì sao Linux lại được quan tâm đặc biệt như vậy? Vì sao Linux lại hấp dẫn như vậy với các chuyên gia lập trình? Vì sao Linux lại có được sự phát triển mạnh mẽ như vậy trong những năm gần đây? Trong bài viết này, chúng tôi muốn trình bày cho các bạn một cái nhìn mới về Linux, không trên khía cạnh công nghệ, mà trên một tầm nhìn tổng thể hơn, bao quát hơn theo lịch sử phát triển của tin học. Ðặc biệt, chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn đặc điểm chính nhất của Linux/GNU, đó là về tính “mở”, tính “tự do” tuyệt đối của hệ điều hành này. Phần cuối của bài viết sẽ có những liên hệ trực tiếp với hoàn cảnh của Việt nam hiện nay.
1. Linux và UNIX

Vào những năm 70 của thế kỷ này, thế giới đã chứng kiến một trào lưu phát triển rực rỡ của Tin học xung quanh hệ điều hành UNIX. Trong khoảng thời gian đó, hầu như toàn bộ các trường đại học trên thế giới, từ Mỹ đến Canada, từ Tâu Âu sang Nhật bản, từ Anh quốc đến Singapore, Từ Nauy đến Australia, khắp nơi đều nở rộ phong trào học, nghiên cứu và phát triển hệ điều hành UNIX. Vì sao UNIX lại có mặt ở khắp mọi nơi, trong mọi giảng đường như vậy? Câu trả lời thật đơn giản: Vì UNIX là hệ điều hành miễn phí với mã nguồn mở duy nhất trong thời gian đó. Có thể nói sự phát triển của hệ điều hành UNIX gắn liền với sự phát triển của khoa học và công nghệ Tin học trong suốt những năm 70 và kéo dài cho đến tận ngày hôm nay. Hệ thống mạng máy tính đã phát triển rất nhanh bắt đầu từ những năm 70 với các mạng riêng cho UNIX như USENET, CSNET, BITNET, EARN, NSFNET và rất nhiều các mạng khác đã xuất hiện trên qui mô toàn cầu, liên kết thế giới UNIX thành một hệ thống thống nhất. Có thể khẳng định không sai rằng mạng Internet toàn cầu không thể có sự phát triển tột bậc của ngày hôm nay nếu như không có trào lưu UNIX đã xảy ra trên thế giới vào những năm 70 này. Có thể nói UNIX là hệ điều hành khai sinh ra Internet.

Sau khi chiếc máy PC ra đời và đặc biệt khi các hệ điều hành cho PC phát triển rầm rộ thì người ta cảm thấy sự đi xuống của phong trào UNIX hóa như đã nói ở trên. Cảm tưởng rằng UNIX đã lép vế và bắt đầu đi xuống nhường chỗ cho những hệ điều hành PC mới nổi lên như DOS, OS/2, Netware, Windows, NT, ... Thế giới UNIX xưa bây giờ chỉ còn trong các máy tính lớn hoặc trong các trường đại học. Có phải thật như vậy không?

Tuy nhiên phong trào "UNIX" đã lại nở rộ lần thứ hai, lần này nó xuất hiện một cách bài bản hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn, bắt đầu từ khi Linux được tung ra lần đầu tiên vào năm 1991 bởi Linus Torvalds. Thế giới UNIX ngày hôm nay với Linux làm trung tâm đã và đang chứng kiến một sự phát triển nhanh nhất trong toàn bộ lịch sử phát triển của phần mềm nói chung và hệ điều hành nói riêng. Hàng chục triệu chuyên gia lập trình, và cả những người không cần có chuyên môn Tin học, hàng triệu Web site trên toàn thế giới đã và đang tham gia vào phong trào "Linux hóa" có qui mô và tốc độ phát triển chóng mặt trên toàn thế giới. Chưa bao giờ đội ngũ những người lập trình và phát triển hệ điều hành Linux lại mạnh, đoàn kết, nhất trí và đông đảo như hiện nay.

Giai đoạn phát triển thứ hai này của UNIX, được gọi là Linux/GNU đã và đang được toàn thế giới quan tâm. Sự quan tâm này không dừng lại ở phía các nhà lập trình, các công ty Tin học, mà về phía chính trị, nhiều chính phủ, quốc gia đã ra trận. Một loạt các chính phủ, quốc gia đã chính thức tham gia phong trào nhằm phát triển một hệ điều hành của riêng cho quốc gia mình. Chúng tôi sẽ còn quay lại chủ đề này trong các phần sau của tài liệu này.

2. Vì sao Linux?

Vì sao Linux ngày nay lại có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy. Vì sao hầu như tất cả các chuyên gia dự đoán đều cho rằng Linux là hệ điều hành của tương lai? Vì sao UNIX có những lúc tưởng chừng như đã thất bại, thế mà lần sống thứ hai của mình lại phát triển không ngờ đến như vậy? Trong phần này chúng tôi đưa ra một số quan điểm, nhận định cho những câu hỏi trên.

Có thể nêu ra một số nguyên nhân và đặc điểm sau:

- Trước hết, Linux là một hệ điều hành mã nguồn mở và miễn phí. Bất cứ ai cũng có thể sao chép, tuyên truyền, phân tán, viết lại và phát triển hệ điều hành này. Cộng với khả năng liên kết mạng rộng khắp và toàn cầu như hiện nay, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu hệ điều hành Linux. Ðặc điểm nổi bật này làm cho Linux ngày hôm nay khác hẳn với UNIX của 30 năm trước.

- Một điểm khác biệt rất quan trọng giữa hai trào lưu "UNIX xưa & Linux nay": Trước kia, UNIX ban đầu chỉ được thiết kế trên các máy tính lớn. Vào thời kỳ đầu phát triển UNIX, các máy tính PC chưa ra đời, các trường đại học và sinh viên bắt buộc phải nghiên cứu trên các máy tính lớn, do vậy tính phổ cập của các hệ điều hành UNIX này rất hạn chế. Ngược lại, Linux được Linus đưa ra trên nền tảng cơ bản là PC (cụ thể là Intel 80386) và do đó, Linux là hệ điều hành PC chính gốc.

Dựa trên đặc điểm thứ nhất đã nêu trên, Linux đã nhanh chóng phát triển trên thế giới PC, dành cho mọi người, mọi nhà, không phân biệt lứa tuổi, trình độ, đẳng cấp. Ngày nay, một cậu bé 10 tuổi mới bắt đầu học lập trình cũng có thể tạo ra cho mình hẳn một hệ điều hành hoàn chỉnh! Do đó, Linux có thể nói là PC UNIX, một hệ điều hành chuyên cho PC. Ðặc điểm cơ bản này có lẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ của Linux như hiện nay.

- Một đặc thù khác biệt nữa giữa Linux hôm nay và UNIX của những năm 70 liên quan đến những quan niệm và luật bản quyền sở hữu trí tuệ của phần mềm. Khi phong trào phát triển UNIX bùng nổ, chưa có một luật lệ nào ràng buộc chặt giữa các công ty phát triển phần mềm thương mại và các viện, trường đại học nghiên cứu UNIX. Kết quả là chúng ta đã chứng kiến một sự phát triển rất không đồng bộ và "hỗn độn" của UNIX. Ðã có rất nhiều bản UNIX thương mại hóa ra đời (SUN, HP, IBM, DEC, SCO...) và bên cạnh đó lại có những phiên bản miễn phí của hệ điều hành này. Và điều đặc biệt là chúng lại không hoàn toàn tương thích với nhau.



3. GNU và Quĩ phần mềm Tự do

3.1. GNU là gì?

Khi nhắc đến Linux, người ta không thế không nhắc đến GNU, bởi vì Linux là một trong những thành phần hay yếu tố cơ bản của GNU, hay nói cách khác, Linux là cái lõi chính của GNU. Bản thân tổ chức GNU được sinh ra trước nhiều năm so với Linux. Tuy nhiên chỉ sau khi cái lõi Linux ra đời, GNU mới có được sự phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Vậy GNU là gì? Các bạn sẽ được tìm hiểu ngay bây giờ về GNU.

Có thể có nhiều cách nói và định nghĩa về GNU:

- GNU là một tổ chức tự nguyện của các nhà lập trình phát triển các phần mềm miễn phí trên nền hệ điều hành Linux và các ứng dụng của nó.

- GNU là tập hợp các phần mềm miễn phí tương thích với UNIX và dựa trên lõi là hệ điều hành Linux.

- GNU là tên gọi chung cho tất cả các phần mềm được viết trên nền Linux và được phát hành miễn phí theo các điều kiện của tổ chức GNU.

- GNU là một hệ thống các ứng dụng trọn gói và đầy đủ từ hệ điều hành cho đến các ứng dụng hoàn chỉnh được đưa ra trên nguyên tắc miễn phí với mã nguồn mở nằm trong hệ thống qui định của GNU.

GNU lần đầu tiên được thiết lập vào năm 1983 do ông Richard Stallman khởi xướng. Xuất phát từ nhóm lập trình viên trên UNIX vào đầu những năm 70, Richard Stallman luôn theo đuổi mục đích lấy sự phát triển phần mềm làm chính. Ông là người chứng kiến những phát triển và thăng trầm của làn sóng UNIX lần thứ nhất. Và ông cũng chính là người có những ý kiến, những suy nghĩ, trăn trở táo bạo của triết lý phần mềm miễn phí. Ông đã viết rất nhiều bài tranh luận về đề tài luật sở hữu trí tuệ đối với phần mềm, về cái gọi là độc quyền của các phần mềm thương mại, về quyền được miễn phí của phần mềm. Chính ông là người đã viết bài “Hiệu triệu GNU” lần đầu tiên vào năm 1983 và lời tuyên bố này là khai sinh của tổ chức GNU sau này. Tên ban đầu do Richard Stallman đặt ra là "Dự án GNU" nhằm kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân cho phong trào này. Cái tên "Dự án GNU" hãy còn cho đến tận hôm nay, nhưng ý nghĩa của nó đã vượt xa ra khỏi tầm của một tổ chức nhỏ.

GNU được đặt tên theo kiểu chơi chữ của tiếng Anh GNU's Not UNIX (GNU không phải là UNIX).

Năm 1985, dự án GNU đã khởi tạo Quĩ phần mềm Tự do (FSF - Free Software Foundation) nhằm tạo một quĩ chính thức cho phần mềm miễn phí (chúng tôi sẽ định nghĩa lại chính xác khái niệm phần mềm Tự do và Phần mềm Miễn phí ở các mục sau, còn bây giờ chúng ta vẫn dùng chúng xen kẽ mà không cần phân biệt giữa chúng).

Quĩ FSF có nhiệm vụ bảo đảm tài chính cho các hoạt động sáng tạo phần mềm của GNU. GNU không hạn chế bởi bất cứ điều kiện nào. Bất cứ ai chỉ cần chấp nhận các điều kiện về phần mềm miễn phí của GNU (GPL - General Public License) đều có thể tham gia được với GNU.

Một trong những mục đích chính của GNU là đảm bảo được tính Tự do của các phần mềm của mình. Tính tự do này phải được hiểu một cách tuyệt đối. Do vậy bất cứ ai khi đã có trong tay (bằng cách nào không quan trọng) một phần mềm của GNU, người đó đều có các quyền tự do tuyệt đối đối với phần mềm này. Hay nói một cách khác, GNU đặt ra một nguyên tắc cơ bản là tất cả các phần mềm của GNU phải được hưởng các quyền như nhau của mọi công dân trên trái đất. Ðối với các phần mềm của GNU, không thể có khái niệm là ai được hưởng các quyền lợi nhiều hơn ai (mặc dù tác giả, bản quyền ghi nhớ của chúng phải được tôn trọng), tất cả mọi công dân trên trái đất phải bình đẳng tuyệt đối như nhau đối với phần mềm của GNU.

Có thể khẳng định ngay rằng những ý tưởng táo bạo của GNU thực sự là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực luật pháp của sở hữu trí tuệ. Không nên nhầm lẫn rằng GNU hủy bỏ các thông ước quốc tế thông thường về luật bản quyền sở hữu trí tuệ.

Tất cả các phần mềm của GNU đều là các phần mềm có bản quyền và quyền này được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ quốc tế. Tuy nhiên điều khác biệt cơ bản nhất giữa các phần mềm GNU với các phần mềm thương mại khác là GNU không hạn chế bất cứ quyền nào của người sử dụng và yêu cầu những người này khi truyền bá các sản phẩm này cũng phải tuân thủ những điều kiện "ngặt nghèo" đó của GNU.

Thời gian đầu GNU chỉ thực hiện việc viết các phần mềm ứng dụng và công cụ trên nền UNIX. Các ứng dụng bao gồm bộ công cụ lập trình GNU C++, các tiện ích và ứng dụng trên nền UNIX. Tuy nhiên một hệ điều hành lõi thì phải đợi đến năm 1992, khi Linus Torvalds đưa ra thì GNU mới thực sự trở thành một hệ thống phần mềm khép kín bao gồm hệ điều hành và các ứng dụng.

3.2. Triết lý của GNU

GNU được Richard Stallman sáng lập và phát triển dựa trên các triết lý sâu sắc về bản quyền phần mềm, về khái niệm quyền tự do của phần mềm, quan hệ tương tác giữa tác giả của phần mềm và xã hội. Ðây là một vấn đề hết sức tế nhị và đang gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên phải công nhận rằng những triết lý của GNU là thật sự cách mạng và có nhiều điểm hợp lý không thể phủ nhận.

- Theo Stallman, việc các phần mềm thương mại hiện nay khi đưa ra thị trường, mọi quyền hạn đối với phần mềm này được tác giả (hay bản hãng) giữ độc quyền (all rights reserved), do đó luật bản quyền hiện tại trên thế giới đã mặc định bảo vệ sự “độc quyền” này, một khái niệm không phù hợp đối với lý tưởng "dân chủ” của thế giới ngày nay.

- Các sản phẩm phần mềm Tin học trên một nghĩa nào đó là tương tự như các thiết bị phần cứng. Sau khi mua một thiết bị phần cứng (chẳng hạn một chiếc máy in), người mua trên thực tế đã có toàn quyền với thiết bị đó. Anh ta có thể cho, bán lại mà không cần xin phép bất cứ ai. Thế nhưng đối với phần mềm thì không được như vậy. Do đó luật bản quyền hiện tại đã tạo ra những bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các sản phẩm phần mềm và các sản phẩm thiết bị khác.

- Bản chất của các phần mềm Tin học là thông tin, chúng khác hẳn so với các thiết bị phần cứng. Việc hạn chế các quyền phát triển và truyền bá các thông tin này đến tay những người khác sẽ cản trở sự phát triển chung của xã hội, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và thậm chí ảnh hưởng đến chính tác giả và chủ sở hữu của phần mềm.

Stallman có đưa ra một vài ví dụ có tính chất minh họa khẳng định cho những triết lý của mình. Chúng tôi sẽ trích ra đây một vài trong chúng mang tính tham khảo vui và thư giãn.

Minh họa 1: Với luật bản quyền hiện tại, bạn hãy hình dung một điều luật sau: Chỉ cho phép người mua bánh ngọt bỏ cả chiếc bánh vào mồm, nhai và ... nuốt, cấm không được bẻ ra thành nhiều miếng, cấm không được đưa vào phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng, cấm không được đưa cho người khác xem hoặc nếm thử, vân vân và vân vân.

Minh họa 2: Việc kiểm soát sử dụng bản quyền phần mềm giống như kiểm soát đường giao thông trong thành phố. Giả sử trong thành phố có nhiều đoạn đường phải đi một chiều, do sự vi phạm giao thông quá nhiều, cách giải quyết là gi? Theo lý luận của luật hiện tại, cần tạo ra thật nhiều các bốt cảnh sát tại các ngã tư và kiểm soát chặt chẽ vi phạm giao thông trên đường. Còn theo triết lý của GNU thì cách tốt nhất là hãy hủy bỏ tất cả các qui tắc đi một chiều trong thành phố và do vậy không cần một bốt cảnh sát nào cả.

Cũng theo Stallman, việc thực thi chặt chẽ luật sở hữu trí tuệ hiện tại sẽ mang lại những tác hại sau cho xã hội:

1. Tác hại về phía người tiêu dùng sử dụng sản phẩm

Sẽ có càng ngày càng ít người sử dụng thật sự các sản phẩm phần mềm. Một phần do khía cạnh tâm lý, nhưng lý do cơ bản là các phần mềm bản quyền sẽ có rất ít cơ hội để tự động nâng cấp, điều chỉnh, bảo hành và bảo dưỡng sản phẩm. Trên thực tế, việc khắc phục lỗi sinh ra khi sử dụng phần mềm rất ít khi được thỏa mãn bởi nhà sản xuất.

2. Tác hại đối với những người thiết kế và phát triển sản phẩm

Theo quan điểm của luật sở hữu trí tuệ hiện thời việc ngăn cấm sao chép, phát triển sản phẩm sẽ đảm bảo quyền lợi kinh tế của người thiết kế và chủ sản phẩm do đó kích thích sự phát triển của đội ngũ lập trình. Tuy nhiên theo GNU thì tác động thực sự sẽ theo chiều ngược lại. Mặt khác do mã nguồn của phần mềm chỉ dành riêng cho chủ sở hữu, do đó sẽ xuất hiện nhiều các hiện tượng nhiều phần mềm có chung một chức năng, điều này sẽ dẫn đến sự lãng phí đối với những người thiết kế và lập trình bởi họ sẽ phải nghiên cứu từ đầu mà đáng lẽ ra có thể tiết kiệm hơn công sức của mình.

3. Tác hại đối với quan hệ xã hội

Các bạn hãy hình dung câu truyện sau: một người đang ăn một cái bánh ngọt nói với một người đứng bên cạnh mình: "Tớ đang ăn cái bánh thật, do đó không thể cho cậu nếm thử được. Làm như vậy là phạm pháp. (Nếu tớ ăn cái bánh thử, tớ sẽ cho cậu nếm ngay!). Nếu cậu muốn nếm thử hãy ra cửa hàng chỉ cách đây 10 cây số thôi mà, ở đó cậu sẽ được nếm các loại bánh thử miễn phí." Câu truyện trên tuy có phóng đại nhưng nó cho ta một hình dung cụ thể rất sinh động về bức tranh quan hệ xã hội đối với luật bản quyền hiện hành. Theo GNU, những luật kiểu như vậy sẽ phá hoại các quan hệ đạo đức của xã hội, gây ra những bất đồng, mâu thuẫn không đáng có giữa con người với con người. Và do đó trên phương diện tổng thể nó có hại đối với xã hội.

3.3. Các quyền hạn của người sử dụng (Freedom)

Khi một người nhận được một phần mềm nào đó, không liên quan đến phần mềm này là của ai và được phát hành thế nào, các khái niệm hay quyền hạn sau được đưa ra bởi Stallman. Phải nhấn mạnh ở đây từ “quyền hạn” hiểu theo nghĩa “quyền tự do" (freedom).

Quyền 0: quyền chạy (run) phần mềm với đầy đủ các chức năng sẵn có của phần mềm này.

Quyền 1: quyền nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá và nếu cần có thể điều chỉnh chương trình cho thích hợp. Ðể có được quyền này, điều kiện tiên quyết là mã nguồn chương trình phải mở.

Quyền 2: Quyền sao chép, phân tán các bản sao của chương trình cho người khác.

Quyền 3: Quyền thay đổi, sửa chữa, nâng cấp và đưa ra các sản phẩm nâng cấp này cho xã hội nhằm mục đích nâng cao tính sử dụng của chương trình. Ðể có được quyền này, điều kiện tiên quyết là mã nguồn chương trình phải mở.



So sánh với các luật hiện thời của sở hữu trí tuệ, một người khi mua một phần mềm có bản quyền, anh ta chỉ có đúng một quyền đó là Quyền 0 đối với sản phẩm, các quyền còn lại (từ 1 đến 3) là dành riêng cho chủ sở hữu của sản phẩm.

3.4. Phân loại phần mềm

Có nhiều cách phân loại phần mềm. Ví dụ có thể phân loại theo cách mà phần mềm được bán ra: miễn phí hoặc có phí. Cũng có thể phân loại theo cách đăng ký bản quyền của phần mềm: phần mềm có hoặc không có bản quyền (copyright).

Chúng tôi sẽ đưa ra ở đây cách phân loại theo luật sở hữu trí tuệ phần mềm, hay nói cách khác phân loại theo độ “Tự do” của phần mềm trên các quan điểm của GNU.

Trên phương diện tổng thể phần mềm sẽ được chia làm hai loại: Phần mềm Tự do và Phần mềm Không Tự do (Free Software & None-Free Software).

- Phần mềm Tự do là phần mềm mà người sử dụng hợp pháp của phần mềm sẽ có đủ cả 4 quyền tự do như đã nêu ở phần trên. Các phần mềm không là Tự do sẽ thuộc loại Không Tự do.

1. Phần mềm Không Tự do (None Free Software)

Các phần mềm Không Tự do đều là những phần mềm có chủ sở hữu và có bản quyền được đăng ký. Trong nhóm các phần mềm Không Tự do có thể kể tên một vài loại phần mềm như sau:

Phần mềm Miễn phí (Freeware) - phần mềm được phát hành miễn phí. Tuy nhiên thông thường người sử dụng chỉ có quyền hạn 0 và 2 đối với phần mềm này.

Phần mềm Chia sẻ (Shareware) - phần mềm được phát hành thông qua việc sao chép và tải xuống từ mạng tự do để dùng thử nhưng khi sử dụng phải đăng ký và nộp phí đăng ký sử dụng. Người sử dụng nói chung cũng chỉ có quyền 0 đối với phần mềm loại này.

Phần mềm Ðóng (Closed) - là phần mềm có bản quyền hiểu theo nghĩa thông thường. Ðể có được đăng ký, người sử dụng phải trả tiền trước và chỉ có đúng một quyền là Quyền 0 đối với phần mềm (tuỳ theo từng hãng và từng sản phẩm, các quyền này có thể thay đổi đôi chút nhưng những nét chính là không thay đổi).

2. Phần mềm Tự do (Free Software)

Trong các phần mềm Tự do lại được chia làm hai loại: phần mềm Không Ðăng ký Bản quyền (not copyrighted) và phần mềm Có Ðăng ký Bản quyền (copyrighted).

Phần mềm Tự do không đăng ký bản quyền thường được gọi là Phần mềm Công cộng (Public Software).

Chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm đến nhóm các phần mềm Tự do Có Ðăng ký Bản quyền. Nhóm này được gọi là Free Copyrighted Software, Linux là phần mềm trong nhóm này. Giả sử một phần mềm S nằm trong nhóm này (Tự do Có Bản quyền), khi phần mềm S này được tung ra thị trường, có thể miễn phí hoặc có phí, nhưng điều kiện tối thiểu của nó bao gồm:

- Ðây là phần mềm có tác giả và được đăng ký bản quyền, không ai được tước đoạt đi quyền này từ tay tác giả hoặc bản hãng (điều kiện Copyrighted).

- Phần mềm này bắt buộc phải thuộc loại mã nguồn mở, tức là khi chuyển giao sản phẩm phải bao gồm toàn bộ mã nguốn bỏ ngỏ cho người mua (điều kiện Free).

- Khi một khách hàng A mua sản phẩm phần mềm S, khách hàng A này sẽ phải có đủ tất cả các quyền hạn từ 0 đến 3 đối với sản phẩm này (điều kiện Free). Khi khách hàng A có quyền 2 đối với sản phẩm S, A có quyền chuyển giao, sao chép phần mềm S (có thể sau khi đã thay đổi bản thân S) cho một khách hàng thứ ba, ví dụ là B. Ðiều mà chúng ta quan tâm là khi đó khách hàng B sẽ được hưởng các quyền tự do gì đối với sản phẩm S. Rất có thể xảy ra, sau khi A đã thay đổi một vài chỗ của sản phẩm S, thì A sẽ tuyên bố rằng sản phẩm S là của mình và sẽ đặt các điều kiện ràng buộc cho khách hàng B, và do đó quyền tự do của sản phẩm S khi đến tay khách hàng B đã bị mất hiệu lực. Do đó tính "Tự do" của sản phẩm S không là tuyệt đối và bình đẳng với mọi khách hàng của mình.

Trên thực tế đã từng xảy ra các hiện tượng như trên: Nhóm các phần mềm Xfree86 thuộc X windows khi được tung ra thị trường là các phần mềm Tự do. Tuy nhiên sau này một số công ty đã sử dụng mã nguồn của các phần mềm này, điều chỉnh và nâng cấp thành các phần mềm có bản quyền sở hữu và không còn là tự do nữa.

Ðối với Linux/GNU, hiện tượng trên cần phải loại bỏ tận gốc. Stallman là người đầu tiên đưa ra khái niệm phần mềm Copyleft (tạm dịch là Bản quyền Trái) nhằm loại bỏ các khả năng xảy ra tương tự như với các phần mềm Xfree86 đã nhắc ở trên.

Phần mềm Bản quyền Trái (Copyleft) là một loại phần mềm Tự do có Bản quyền kèm thêm điều kiện đặc biệt "ngặt nghèo" sau khi có sự chuyển giao sở hữu từ người này sang người khác: Khi chuyển giao phần mềm từ tay người thứ nhất (A) sang người thứ hai (B) thì phải đảm bảo rằng người thứ hai (B) vẫn phải có đủ tất cả các quyền tự do (từ 0 đến 3) đối với phần mềm này.

Như vậy phần mềm thuộc loại Copyleft mới thực sự là phần mềm đảm bảo được tính tự do tuyệt đối của người sử dụng. Ðối với phần mềm thuộc loại Copyleft sẽ không còn khái niệm Chủ sở hữu của phần mềm nữa. Tất cả mọi công dân trên trái đất đều thực sự bình đẳng tuyệt đối đối với các phần mềm này. Tuy nhiên chú ý rằng mặc dù không còn khái niệm chủ sở hữu nữa nhưng khái niệm Tác giả đối với loại phần mềm này vẫn còn. Stallman có đề nghị cách ghi trên nhãn của phần mềm này như sau: Copyleft (C) by ...(tên tác giả)... Ví dụ ta có thể viết: Linux Kernel 2.2.14, Copyleft (C) 1993 by Linus Torvalds.

Các phần mềm thuộc nhóm Linux/GNU đều nằm trong loại Copyleft như theo định nghĩa trên. Ðiều đó khẳng định tính tự do tuyệt đối của những phần mềm và tác giả theo phong trào Linux.

Trong thời gian một vài năm trở lại đây, do xu hướng phát triển mạnh mẽ của Linux, một số công ty và tổ chức có đề nghị sửa cụm từ Phần mềm Tự do thành Phần mềm Mã nguồn Mở (Open Source Software). Tuy nhiên cũng theo Stallman, không nên dùng cụm từ Phần mềm Mã nguồn Mở, vì nó không phản ánh đúng thực chất của Phần mềm Tự do, gây ra sự không hiểu đúng hoặc sai về GNU/Linux. Thậm chí ông cảnh báo rằng một số người muốn thay đổi như vậy thực chất là che dấu ý đồ muốn kiếm chác và sinh lợi từ Linux mà thôi.

Mô hình phân loại phần mềm được mô tả trong hình vẽ sau:

GNU GPL - GNU General Public License - Quyền Sở hữu Công cộng phần mềm của GNU

Quyền Sở hữu Công cộng phần mềm (GPL) được GNU đưa ra nhằm "áp đặt" cho tất cả các phần mềm thuộc dự án GNU. Mục đích duy nhất của GPL nhằm đảm bảo tính tự do tuyệt đối của các phần mềm của mình.

Ðể xem được đầy đủ GNU GPL bạn có thể tham khảo tại địa chỉ Internet http://www.gnu.org, trong phần này chúng tôi chỉ tóm tắt các điều khoản chính của Quyền Sở hữu Công cộng phần mềm GNU.

Quyền Sở hữu Công cộng GNU - GPL được áp dụng cho hầu hết các phần mềm được phát hành bởi Quĩ phần mềm tự do FSF và cho mọi người sử dụng các phần mềm này. Ðể chỉ người được cấp phép ta dùng từ "Bạn", còn các phần mềm của GNU chúng ta sẽ gọi là "Chương trình".

1. Bạn có quyền sao chép và phân tán mã nguồn của Chương trình trên mọi phương tiện với điều kiện là Bạn phải ghi rõ bản quyền, tác giả tương ứng theo mỗi sao chép của Chương trình. Bạn phải nêu rõ cho người nhận các điều khoản liên quan của Quyền Sở hữu Công cộng phần mềm này và sao chép cho họ một bản (GPL).

2. Bạn có thể sao chép một phần hay toàn phần mã nguồn của Chương trình, có thể thay đổi và phân tán các thay đổi này theo các điều khoản của 1 và hơn nữa phải tuân thủ thêm toàn bộ các điều khoản sau:

a. Bạn nhất thiết phải chỉ rõ các file nào đã bị thay đổi và ngày được thay đổi.

b. Toàn bộ các công việc liên quan đến sự thay đổi này Bạn phải phân tán, công bố hoặc xuất bản chúng miễn phí với toàn bộ Bản quyền Sở hữu Công cộng của GNU cho người nhận.

c. Nếu chương trình đã thay đổi này là tương tác trực tiếp với người sử dụng, bạn phải đưa vào chương trình phần thông báo về bản quyền, bảo hành và cho phép người sử dụng chúng có toàn quyền sao chép và phân tán theo các điều khoản của Bản quyền Sở hữu Công cộng này.

3. Bạn có thể sao chép, phân tán Chương trình và các module của nó dưới dạng Mã đã dịch (object code) theo các điều khoản 1 và 2 đã nói ở trên và phải tuân thủ thêm tối thiểu một trong các điều khoản sau:

a. Bạn phải phân tán kèm theo mã nguồn mở đầy đủ của các module chương trình này và chúng cũng phải được tuân thủ các điều khoản 1 và 2 đã trình bày ở trên.

b. Bạn phải ghi rõ thành văn bản, với thời hạn hiệu lực tối thiểu 3 năm, giấy báo giá tính chi phí cho người nhận với phí không vượt quá giá thành sao chép, đóng gói cùng với toàn bộ mã nguồn mở và người nhận được phép sao chép, phân tán các module mã nguồn này theo các điều khoản 1, 2 đã nói ở trên.

c. Trường hợp Bạn nhận được sản phẩm như điều khoản b thì khi phân tán phải ghi rõ các thông tin như khi bạn đã nhận được (chỉ áp dụng cho các đối tượng không phải là thương mại).

4. Bạn không được sao chép, thay đổi, phân tán và cấp phép các Chương trình không nằm trong các điều khoản của Bản quyền Sở hữu Công cộng này.

5. Nếu bạn không đồng ý với các điều khoản của bản Quyền Sở hữu Công cộng này, bạn sẽ không được cấp bất cứ một quyền hạn nào đối với các Chương trình nằm trong khuôn khổ của GNU, nếu vi phạm bạn sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật hiện hành về bản quyền sở hữu trí tuệ.

6. Mỗi khi bạn sao chép hay phân tán Chương trình hay Module theo các điều khoản 1, 2, 3 trên đây, người nhận sẽ tự động được cấp phép của quyền Sở hữu Công cộng. Bạn không được đặt thêm bất cứ một quyền nào đối với các quyền này và không được phép liên kết với bất kỳ một ai để đặt ra các hạn chế khác đối với các phần mềm này.

7. Trường hợp bạn không thể sao chép, phân tán chương trình hay module thỏa mãn đồng thời các điều khoản của Bản quyền Sở hữu Công cộng này và các hạn chế khác của chương trình thì có nghĩa là bạn sẽ không có bất cứ quyền gì đối với các chương trình hay module này.

8. Trường hợp việc sao chép, phân tán bị hạn chế bởi các quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác thì khi phân tán, bạn phải ghi rõ thêm một điều khoản hạn chế không gian địa lý của việc phân tán và sao chép này.

9. Quĩ phần mềm Tự do FSF được toàn quyền điều chỉnh, sửa đổi các điều khoản của Bản quyền Sở hữu Công cộng này. Bạn cần sử dụng phiên bản mới nhất của GPL để áp dụng trên thực tế.

10. Nếu bạn muốn chuyển các phần mềm thuộc phạm vi của GPL này sang một nhóm Phần mềm Tự do khác, hãy viết yêu cầu của mình về Quĩ Phần mềm Tự do FSF. Chúng tôi sẽ xem xét và quyết định dựa trên lợi ích tối đa của người sử dụng và người phát triển phần mềm.

Chú ý: Ðiều 7 được nêu ra để phòng ngừa trường hợp các mã nguồn của một số chương trình có sử dụng các công nghệ đã được đăng ký bằng sáng chế (patent). Ðây là một trong những điều "bất cập" nhất của các phần mềm Tự do: trên nguyên tắc, khi công bố các phần mềm tự do, chúng phải không chứa bất cứ mọi công nghệ đã được đăng ký patent của một cá nhân hay công ty thương mại nào (hoặc phải được tác giả của bằng sáng chế đó cho phép sử dụng). Bản thân GNU và Stallman đã đề nghị và tranh luận nhiều về đề tài này. Ðiều khoản về sở hữu bằng sáng chế đã hạn chế rất lớn sự phát triển của các phần mềm tự do. Ví dụ khi bàn về việc trừng phạt Microsoft trong vụ kiện thế kỷ vừa qua, Stallman đã đề nghị phương án trừng phạt Microsoft bằng cách bắt Microsoft công bố các thông số kỹ thuật của các công nghệ chính của mình và Microsoft phải cho phép các công ty khác sử dụng các patent của mình.

4. Linux và GNU

Hệ điều hành (hay đúng hơn là lõi của hệ điều hành Linux) được Linus Torvalds đưa ra vào năm 1991, hoàn chỉnh phiên bản đầu tiên vào năm 1992. Ngay từ đầu Linus có một vài quan điểm khác với GNU, nhưng sau đó, tác giả đã nhất trí để Linux được đưa ra trong khuôn khổ của GNU và GNU GPL. Như vậy Linux là hệ điều hành lõi và duy nhất của GNU. GNU sẽ có nhiệm vụ phát triển bản thân lõi và các ứng dụng trên nền hệ điều hành Linux.

Khi đưa ra lần đầu tiên, Linus Torvalds đã đề nghị rằng Linux không những là một hệ điều hành miễn phí với mã nguồn mở, mà những người phát triển và truyền bá Linux cũng không thể được có bất cứ một hoạt động nào sinh lợi nào từ hệ điều hành này. Yêu cầu trên của Linus Torvalds không phù hợp với qui định của GNU GPL. Một thời gian ngắn sau, Linus đã đồng ý thay đổi lại quan điểm của mình và đưa Linux vào khuôn khổ của đự án GNU.

Cho tới thời điểm hiện tại, GNU đã thực sự lớn mạnh trở thành một xu thế có qui mô toàn cầu. Còn Linux đang được đánh giá là hệ điều hành phát triển nhanh nhất và phổ biến nhất hiện nay trên thế giới.

Linux là một cấu thành không thể tách rời khỏi GNU, và ngược lại GNU phát triển hoàn toàn dựa trên lõi là Linux. Do vậy Linux và GNU thực chất là một thực thể thống nhất.

Một đặc điểm quan trọng của GNU/Linux là tất cả những ai tham gia phát triển các ứng dụng trên Linux đều phải tuân thủ theo nguyên tắc của Bản quyền Sở hữu Công cộng GPL - General Public License.

Như vậy Linux và GNU là một và người ta thường nhắc đến cả cụm từ Linux/GNU hoặc GNU/Linux.

Ðể xem thêm thông tin về tổ chức, hoạt động, các dự án, phần mềm liên quan đên GNU/Linux xin mời vào thăm trang Web chủ http://www.gnu.org của tổ chức này.

5. Thế giới Linux hôm nay

Ngày nay Linux thực sự đã trở thành một Thế giới, Thế giới Linux. Theo ước tính hiện có khoảng 14 triệu người đang sử dụng và nghiên cứu Linux (số liệu 6 - 2000) và có khoảng hơn 1 triệu Web Site trên Internet sử dụng Linux là nền làm việc của mình. Ðã ra đời rất nhiều công ty và tổ chức phi lợi nhuận có liên quan đến Linux. Ta hãy thử tiến hành các thao tác tìm kiếm đơn giản trên các Site nổi tiếng như Yahoo, Altavista hoặc Infoseek sẽ thấy ngay:

- Trên toàn hệ thống mạng Internet hiện có trên 11 triệu trang Web có keyword chứa từ Linux!.

- Hiện có khoảng trên 900 Web sites có tên (Domain name) chứa cụm từ Linux!

- Hiện có khoảng trên 300000 Web site có nội dung liên quan chặt chẽ với Linux!

Nếu chúng ta thực hiện một tìm kiếm tương tự nhưng đối với từ Windows 95, 98 hoặc 2000, chúng ta sẽ thấy ngay các số liệu sẽ thấp hơn từ 5 đến 100 lần so với Linux. Với tất cả các sai số cho phép của tính toán vẫn có thể khẳng định được rằng Linux đang là hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Tính phổ biến của hệ điều hành này được thể hiện bởi số lượng người sử dụng, số lượng các chuyên gia Tin học đang quan tâm, nghiên cứu và phát triển nó, bởi sự tham gia rất đông đảo các cá nhân, công ty, tổ chức quốc tế đến sự phát triển của hệ điều hành này, bởi số lượng thật đông đảo các tạp chí, đặc san, chuyên san chuyên về Linux và các ứng dụng của chúng.

Một đặc điểm quan trọng nữa đối với Linux/GNU: đó là tính tổ chức chặt chẽ và hấp dẫn vô tận của nó. Do đặc tính "mã nguồn mở" và "tự do" của Linux trong khuôn khổ GNU, đã xuất hiện rất nhiều các tổ chức, công ty, hiệp hội, dự án, ... được thành lập chỉ với một mục đích duy nhất là cổ vũ và phát triển cho phong trào Linux. Ðiều này được thể hiện vô cùng rõ nét nếu chúng ta có dịp "dạo chơi" trên Internet. Chúng ta hãy hình dung ra một từ nào đó (tất nhiên là tiếng Anh) có nghĩa và có chứa, dù chỉ một phần từ Linux, và bạn hãy gõ tên đó, kết thúc bởi NET, ORG hoặc COM, trên trình duyệt Web, có thể khẳng định rằng ta sẽ tìm được một Web Site mới liên quan đến Linux! Ðiều này quả thật đã gây ấn tượng rất mạnh.

Chúng ta hãy thử tìm và ghép một từ có nghĩa bắt đầu từ Linux: Linuxdoc, LinuxOpen, LinuxCentral, LinuxProgramming, LinuxWorld, LinuxScource, LinuxDocumentation, LinuxComputing, LinuxNet, LinuxOpinion, LinuxResources, LinuxGuide, LinuxMagazine, LinuxOnline, LinuxBooks, LinuxOS, LinuxLib, LinuxLab, LinuxService vân vân và vân vân. Tôi có thể khẳng định với các bạn rằng tất cả những tên trên đều đã được đăng ký tên miền và là tên của một Web Site trên Internet!

Chúng tôi chỉ xin liệt kê ra ở đây một vài thông tin về các tổ chức, công ty, đơn vị tài trợ có liên quan đến Linux.

Hiện có khoảng gần 60 tổ chức và công ty đang thực hiện nhiệm vụ phân phối các sản phẩm hệ điều hành Linux. Trong số đó các công ty lớn gồm có Red Hat, Debian, Caldera, Corel, Mandrake, Slackware, S.u.S.E, ... Các công ty này đang đóng góp tích cực vào việc truyền bá và phân tán các phiên bản của Linux cho người sử dụng đầu cuối trên phạm vi toàn thế giới. Như đã trình bày ở trên, toàn bộ các công ty này bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc của GPL và do đó các bản Linux mà họ bán ra sẽ phải có giá thành xấp xỉ phần đóng gói và một phần phí bảo hành. Một CD Linux bán ra như vậy sẽ có giá thành chỉ xấp xỉ 2 - 5 USD. Ðể xem đầy đủ và chi tiết về các công ty phân phối Linux này, xem thêm tại trang web sau http://www.linux.org/dist/english.html. Các dự án trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến Linux. Riêng các dự án phần mềm trực tiếp liên quan đến hệ điều hành Linux hiện có khoảng hơn 100 đang thực hiện trên phạm vi toàn thế giới trong tổng số gần 200 các dự án có liên quan đến Linux.



Các dự án này được đưa ra bởi các công ty, các viện nghiên cứu, trường học hoặc có thể do một vài cá nhân. Có thể liệt kê ra đây một vài dự án hay và quan trọng:

- Dự án Aardvark: Nghiên cứu và phát triển một hệ nhân quản trị dữ liệu phân tích trực tuyến (OLAP). Mục tiêu của dự án là xây dựng một nhân dữ liệu hỗ trợ OLAP/MOLAP/HOLAP đầu tiên với mã nguồn mở trên Linux. (xem thêm http://www.visionyze.com/products/technology/aardvark/)

- Dự án DOSEMU: Nghiên cứu khả năng tương thích của Linux với DOS, cho phép các ứng dụng của DOS được trên Linux. (xem http://www.dosemu.org)

- Dự án FlightGear: Nghiên cứu các chương trình mô phỏng 3 chiều trên Linux với công nghệ OpenGL/Mesa. (xem thêm http://www.flightgear.org)

- Dự án GIMP: nghiên cứu và phát triển các thư viện cho môi trường đồ họa X Window của Linux. (xem thêm http://www.gtk.org)

- Dự án GNOME: kiến tạo môi trường giao diện đồ họa chuẩn của Linux. (http://www.gnome.org)

- Dự án HA - High Availability Linux Project: nghiên cứu các giải pháp và thuật toán sử dụng môi trường tính toán song song trên Linux. (http://www.linux-ha.org)

- Dự án KBasic: mục đích: đưa ngôn ngữ lập trình Basic vào môi trường đồ họa của Linux. (http:// www.kbasic.de)

- Dự án KDE: thiết kế một môi trường giao diện đồ họa chuyên nghiệp trên Linux. (http://www.kde.org)

- Dự án Sinus Firewall: Phát triển các phần mềm mã nguồn mở dạng Firewall. Một địa chỉ tốt cho những người nghiên cứu về các vấn đề an toàn mạng trên Internet. (http://www.sinusfirewall.org)

- Dự án VWCL - Virtual Windows Class Library Project: Nghiên cứu và phát triển các lớp hàm (WineLib) cho môi trường lập trình Linux, tương tự như MFC của Microsoft. (http://www.vwcl.org)

- Dự án MOSIX: nghiên cứu và phát triển các phần mềm hỗ trợ cho clustering trên Linux. (http://www.mosic.org)



- Dự án Free Linux CD: mục đích của dự án này là cấp cho mọi công dân trên trái đất mỗi người một CD chứa hệ điều hành Linux. (http://www.freelinuxcd.org)

- Dự án LDP - Linux Documentation Project: Dự án này có nhiệm vụ phát triển hệ thống các tài liệu miễn phí liên quan đến Linux bao gồm các FAQ, HOWTO và các UserGuide cho Linux. (http://www.linuxdoc.org)

- Linux Advocacy Project: Dự án này có mục đích chính là khuyến khích và tuyên truyền cho các công ty phần mềm hỗ trợ và tham gia vào trào lưu Linux hóa trên qui mô toàn cầu. (http://www.10mb.com/linux/)

Các địa chỉ và Web site nổi tiếng của Linux gồm có:

Linux Online: www.linux.org
Linux International: www.li.org
Linux & Internet: www.internet.com
Linux Documentation Project: www.linuxdoc.org
Linux magazine: www.linux-mag.org
Red Hat Company: www.redhat.com
Linux Expo: www.linuxexpo.net

Không thể kể hết được hoặc đo được tầm vóc và qui mô của thế giới Linux hôm nay. Có thể hình dung một cách không phóng đại rằng Linux hôm nay chính là "phần bù" của Microsoft.

Có thể chia thế giới Linux hay các ứng dụng của Linux thành các nhóm sau đây:

- Các tổ chức, dự án hỗ trợ và phi lợi nhuận liên quan đến Linux

- Các Công ty thương mại phát triển hệ điều hành Linux

- Các Công ty thương mại phát triển các ứng dụng trên nền Linux

- Các viện nghiên cứu, các trường đại học phát triển Linux

- Các Công ty, Doanh nghiệp, Tổ chức đang sử dụng Linux như hệ điều hành hoặc ứng dụng.

Sự phát triển của Linux đã vượt qua tầm mắt của các chuyên gia công nghệ. Nhiều quốc gia đã thực sự tham gia vào cuộc chiến với Linux, điển hình nhất phải kể đến Trung quốc. Chính phủ Trung quốc đã chính thức công bố dự án phát triển một hệ điều hành riêng cho Trung quốc dựa trên Linux và đặt tên cho hệ điều hành này là Hồng Kỳ, tên tiếng Anh là Red Flag, một cải biên từ bản Red Hat. Dự án hệ điều hành Hồng Kỳ của Trung quốc được phát triển dựa trên sự hợp tác giữa Viện nghiên cứu phần mềm (SRI - Software Rechearch Institute) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung quốc (CAS - Chinese Academy of Science) và Trường đại học tổng hợp Bắc kinh. Phiên bản Red-Flag Linux 1.0 ra đời lần đầu tiên vào ngày 6-1-2000 đánh dấu một thời kỳ mới của Trung quốc nắm bắt và làm chủ được công nghệ hệ điều hành. Dự kiến bản Red-Flag Linux dành cho người sử dụng bình thường sẽ ra mắt công chúng vào giữa năm 2000. (Cho đến thời điểm 20-8 thì phiên bản này vẫn chưa được công bố). Sự kiện Trung quốc công bố về hệ điều hành và dự định sử dụng chúng trong toàn bộ các cơ quan chính phủ đã gây chú ý rộng rãi của dư luận trên toàn thế giới. Ðã có hơn 10000 trang Web trên thế giới bình luận và tranh cãi về sự kiện "Red Flag Linux" của Trung quốc. Bên cạnh Red-Flag, một công ty Linux khác là Turbo Linux đã bản địa hóa Linux và đã rất thành công trên thị trường hệ điều hành ở Trung quốc. Theo các số liệu mới nhất, số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường Trung quốc trong quí 2 năm 2000 của Turbo Linux đã vượt lên trên Microsoft, một thông tin đáng để cho chúng ta quan tâm.

Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, việc chính phủ Trung quốc tuyên bố chính thức bắt buộc sử dụng Linux trong các cơ quan của nhà nước chỉ còn là vấn đề thời gian.

6. Linux Việt nam và GNU: Giải pháp và Sản phẩm?

Nhìn lại sự phát triển của Tin học Việt Nam, chúng ta thấy một điều đáng buồn rằng Việt Nam đã và đang hầu như nằm ngoài cả hai trào lưu UNIX hóa đã nói trên của thế giới. Chúng ta đã nằm ngoài trào lưu UNIX lần thứ nhất là điều dễ hiểu. Thời kỳ đó chúng ta đang có chiến tranh, đất nước còn chia cắt. Nhưng lần thứ hai này, khi trào lưu Linux/GNU đã phát triển được trên 7 năm, đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược được trên thế giới, nhưng tại Việt nam sự hiểu biết cũng như nhu cầu tìm hiểu Linux hãy còn quá ít ỏi. Vì sao lại như vậy? Vì sao tại một nước láng giềng rất gần và giống chúng ta ở nhiều khía cạnh tâm lý, chính phủ và quốc gia đã vạch hướng phát triển chiến lược cho Linux đã 3 năm, còn chúng ta thì vẫn hoàn toàn im lặng? Vì sao sau những 15 năm đổi mới, chúng ta lại ngày càng tụt hậu hơn về công nghệ Tin học so với các nước xung quanh? Ðiều đáng buồn đó không hiểu các chuyên gia Tin học, các nhà hoạch định chính sách công nghệ Tin học Việt nam có suy nghĩ gì không? Liệu đến khi nào chúng ta mới thực sự vào cuộc? Một số suy nghĩ cá nhân về các vấn đề trên được trình bày trong phần cuối của bài viết này.

Bây giờ chúng ta quay trở lại với vấn đề Linux tại Việt nam, hay nói một cách chính xác hơn, về vai trò của Linux đối với công nghệ Tin học Việt nam nói riêng và nền kinh tế Việt nam nói chung.

Các câu hỏi sau được đặt ra một cách hiển nhiên: Việt nam chúng ta có cần đến Linux không? Chúng ta cần Linux ở mức độ nào? Linux có lợi và hại gì đến sự phát triển Tin học tại Việt nam? Nếu chúng ta cần Linux thì thời điểm nào là thích hợp để phát triển hệ điều hành này? Vai trò quản lý của chính phủ đối với Linux như thế nào?

Trong bài viết này tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết các vấn đề kỹ thuật của Linux, các đặc tính so sánh giữa Linux và các hệ điều hành khác. Có lẽ sẽ có một bài viết riêng phân tích và đi sâu về các tính năng kỹ thuật của hệ điều hành này.

1. Việt nam cần một hệ điều hành của riêng mình

Việt nam là một nước đông dân (đứng thứ 14 trên tổng số trên 200 quốc gia) trên thế giới và vẫn được coi là một quốc gia có hàm lượng chất xám cao. Nếu tình trạng yếu kém về kinh tế của chúng ta như hiện nay sẽ vẫn còn tiếp diễn trong tương lai thì không có gì phải bàn cãi nữa. Nhưng chẵng nhẽ chúng ta cam chịu như thế này mãi hay sao? Chúng ta có hay không tham vọng trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh tương xứng với số dân mà chúng ta hiện có? Chúng ta có hay không ước muốn phát triển một ngành công nghệ Thông tin mạnh như nghị quyết 7/2000 của chính phủ mới ban hành? Nếu quả thật như vậy thì khẳng định sau cũng trở nên rõ ràng: Việt nam rất cần có một hệ điều hành của riêng mình.

Ngoài các nguyên nhân về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng sẽ được nêu ra dưới đây, tôi có một vài suy nghĩ sau liên quan đến nguyên nhân vì sao Việt nam chúng ta rất cần một hệ điều hành của riêng mình:

Trước hết, thời điểm hiện tại đang cho chúng ta một cơ hội "ngàn năm có một" để thực hiện được ước mơ làm chủ và có một hệ điều hành của riêng mình. Hiện tại phong trào Linux với mã nguồn mở đang phát triển rất nhanh, không thể định trước được những bước đi tương lai của chúng. Phiên bản hiện thời của Linux/GNU có dung lượng tổng cộng khoảng 300 MB mã nguồn, trong đó riêng nhân của Linux là 50MB. Ðó là một con số khổng lồ. Ðể hiểu rõ và làm chủ được hệ điều hành này chúng ta phải hiểu tường tận toàn bộ 300 MB mã nguồn này. Ðể hình dung cụ thể hơn, hãy thử làm một con tính đơn giản: để hiểu một dòng lệnh giả sử chi phí bỏ ra là 10 cent, vậy để hiểu được 300 MB tức khoảng 30 triệu dòng lệnh ta sẽ phải bỏ ra công sức bằng 300 triệu cent, nghĩa là 3000000 (3 triệu) USD. Mặc dù chúng lớn như vậy nhưng điều may mắn là chúng ta có thể lấy được chúng để tìm hiểu và nghiên cứu. Nếu như không có hệ thống mã nguồn này thì sẽ ra sao? Giả sử trào lưu mã nguồn mở không có hoặc Linux/GNU chấm dứt sự tồn tại của mình, khi đó cái giá phải trả cho việc có một hệ điều hành riêng sẽ cực kỳ tốn kém, thậm chí khó có thể hiện thực trong điều kiện kinh tế của nước ta.

Ðiều thứ hai, đó là xu thế tất yếu của nền kinh tế số hoá toàn cầu. Vai trò của các hệ điều hành máy tính sẽ trở nên thực sự quan trọng trong nền kinh tế số hóa đó. Có lẽ trong tương lai không xa, không chỉ có các nước lớn, mà tất cả các quốc gia đều sẽ phải có hệ điều hành riêng. Có như vậy, các quốc gia mới có thể thực sự tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và an tâm về tính an toàn của các thông tin nội bộ của mình. Các quốc gia có ý tưởng sớm về điều này sẽ không bị ngỡ ngàng và bị động trong tương lai.

Thứ ba, trong 10 năm trở lại đây, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn hóa bảng mã tiếng Việt (và bộ gõ) trên máy tính. Tuy nhiên kết quả đã không đạt được như mong muốn. Một trong những khó khăn của việc chuẩn hóa là chúng ta luôn bị động vào các công nghệ mới và phần mềm mới của nước ngoài. Hiện tại phiên bản Windows 2000 đã có những xung khắc lớn đối với cả hai bộ mã mà người Việt nam đang sử dụng nhiều nhất là TCVN và VNI. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ sử dụng Windows và không có sự lựa chọn nào khác thì không hiểu những nảy sinh tiếp theo trong tương lai sẽ được giải quyết như thế nào. Ngay vấn đề không hiện được chữ "ư" trong IE5 cho đến giờ phút này chưa có một cách giải quyết nào triệt để. Chỉ bằng con đường sửa trực tiếp vào mã nguồn của hệ điều hành mới có thể giải quyết triệt để bài toán tiếng Việt trên máy tính. Hy vọng với Linux sẽ không có tình trạng "lộn xộn" khi sử dụng tiếng Việt như hiện nay.

2. Linux và vấn đề đào tạo nhân lực CNTT

Linux với mã nguồn mở, hoàn toàn miễn phí và đang được thừa nhận là hệ điều hành phổ biến nhất, nhanh nhất, an toàn nhất và công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

Việc đưa Linux vào nghiên cứu và giảng dạy đã trở thành hầu như hiển nhiên và bắt buộc tại hầu hết các trường đại học công nghệ trên thế giới. Chúng ta không thể có Linux ngày hôm nay nếu UNIX không được toàn thế giới nghiên cứu và phát triển nó trong những năm đầu của thập kỷ 70. Việc đưa Linux vào giảng dậy và nghiên cứu trong các trường đại học sẽ có một ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đào tạo nhân lực và chuyên gia CNTT cho đất nước. Nếu chúng ta muốn có một đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin đích thực của 30 năm sau thì ngay bây giờ cần phải đưa Linux vào giảng đường đại học càng nhanh càng tốt.

3. Các lợi thế An ninh, Kinh tế, Quốc phòng

Các lợi thế về An ninh, Quốc phòng của việc sử dụng một hệ điều hành riêng đối với đất nước có lẽ không cần phải bàn luận gì thêm, nhưng ý nghĩa của việc đưa một hệ điều hành "miễn phí" vào sử dụng sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn như thế nào cho đất nước thì không phải ai cũng nhận thức được và thấu hiểu. Ðiều nguy hiểm nhất hiện nay là chúng ta (hầu như tất cả, không trừ một ai!) đều đã quá quen với việc sử dụng các phần mềm có bản quyền nhưng với giá bằng 0. Cái giá mà đất nước sẽ phải trả cho thói quen này là vô cùng to lớn. Ðến một ngày nào đó chúng ta sẽ bị truy thu những gì mà chúng ta đã "xài" trong suốt thời gian từ cách đây 10 năm (khi Tin học bắt đầu có tại Việt nam) và sẽ phải trả tiền cho mỗi phần mềm đang và sẽ sử dụng. Chỉ cần làm một con tính đơn giản cũng thấy cái giá đó khủng khiếp như thế nào.

Và tất nhiên Linux là chìa khóa duy nhất cho phép chúng ta tìm được lối thoát của tình trạng trên.

4. Linux và Microsoft

Một trong các lý do cơ bản của việc cần tiến hành nghiên cứu và phát triển Linux tại Việt nam là sự độc quyền "mặc định" của các hệ điều hành của Microsoft. Do nhiều nguyên nhân khách quan, trên 95% các máy tính gia đình và công sở của Việt nam đều sử dụng hệ điều hành của Microsoft. Nếu thực tế này còn tiếp diễn thì sẽ dẫn đến một hậu quả khôn lường: toàn bộ nền kinh tế Tin học của chúng ta sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào một công ty Tin học nước ngoài. Ðiều nguy hiểm ở đây là chữ "một", chúng ta sẽ không có sự lựa chọn. Linux chính là sự lựa chọn thứ hai của chúng ta. Với Linux, sự lựa chọn sẽ rất an tâm nếu như đó là một hệ điều hành Linux của Việt nam. Việc đưa Linux như một sự lựa chọn thứ hai bên cạnh Microsoft sẽ có một ý nghĩa rất lớn. Có thể, ví dụ, nó sẽ là một tác động để giá bán của Windows tại Việt nam sẽ thực sự giảm so với hiện nay.

5. Linux: Sản phẩm và Giải pháp

Hiện tại đa số các ứng dụng của Linux nằm trên các máy chủ và đều dành cho các chuyên gia. Ðịnh hướng phát triển Sản phẩm và Giải pháp ứng dụng của Linux có thể theo sơ đồ sau:

- Trước tiên khuyến khích việc áp dụng Linux trong các máy chủ lớn tại các cơ quan, hội sở và doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các ISP và ICP. Các ứng dụng chủ yếu của Linux bao gồm Web server, Access server, Router, Firewall, Internet workstation, Application server.

- Khuyến khích sử dụng, học tập, làm việc và nghiên cứu Linux trong các trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học. Về huớng phát triển này chúng ta có rất nhiều thuân lợi bởi hiện tại có hàng ngàn trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới đang phát triển Linux.

- Khuyến khích việc sử dụng và phát triển các ứng dụng trên Linux cho mọi đối tượng. Với gần 60 phiên bản Linux khác nhau hiện đang có trên thế giới, chúng ta có một sự lựa chọn lớn cho các ứng dụng đa dạng khác nhau trên hệ điều hành này.

Hiện nay một số công ty phân phối Linux đang rất tích cực cho việc bản địa hóa tiếng Việt, một trong chúng là Mandrake Linux, một trong các nhà phân phối lớn của Linux (đứng thứ 3 thế giới).

- Tập trung phát triển các giải pháp cơ bản liên quan đến tiếng Việt trên Linux, tiến tới thiết lập và làm chủ Linux, tạo ra các sản phẩm là hệ điều hành Linux riêng của Việt nam.

- Cùng với thế giới, nghiên cứu và phát triển Linux theo hướng thân thiện hoá dành cho người sử dụng đầu cuối.

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển Linux và các ứng dụng của chúng theo nguyên tắc GNU.

- Về định hướng sản phẩm Linux Việt nam, theo tôi, nên tập trung vào các hướng phát triển sau đây (xếp theo thứ tự ưu tiên):

1. Họ sản phẩm Linux cho các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, công sở.

Yêu cầu chủ yếu bao gồm tiếng Việt, các phần mềm văn phòng (văn bản, bảng tính, đồ họa, CSDL), kết nối Internet, các công cụ lập trình cơ bản (C, Pascal, Fortran, ...)

2. Họ sản phẩn Linux dành cho gia đình. Các yêu cầu chủ yếu bao gồm kết

nối Internet, công cụ multimedia, trò chơi, phần mềm học tập và giải trí, phần mềm văn phòng.

3. Họ sản phẩm Linux dành cho máy chủ. Các ứng dụng chủ yếu bao gồm

Internet server, http, ftp, mail server, firewall, routing, CSDL lớn, access server.

4. Cuối cùng là các sản phẩm đặc thù và chuyên sâu như GIS, CAD/CAM,

Thiết kế và tính toán công nghiệp, Xuất bản, CSDL chuyên nghiệp, ...

Chú ý: Cần phân biệt trong tương lai các sản phẩm phần mềm trên Linux theo chuẩn GNU hoặc không GNU.

6. Linux và nội lực Việt nam

Như đã trình bày ở trên, nếu như Việt nam có thể làm được một hệ điều hành của riêng mình, có nghĩa là chúng ta sẽ làm chủ được nền tảng cơ bản nhất của công nghệ thông tin. Sự cần thiết của Linux và Linux Việt nam đã được khẳng định. Vấn đề đặt ra hiện nay là Chúng ta có làm được hay không? Khi nào cần làm? Cần làm những gì? và Cách thực hiện như thế nào?

Chúng ta có làm được Linux Việt nam hay không?

Câu hỏi đặt ra hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta nói nhiều đến Trí tuệ Việt nam, chất xám Việt nam, nội lực Việt nam, nhưng có thể chúng ta sẽ không bao giờ có một hệ điều hành máy tính của Việt nam. Ðể biến bộ mã nguồn hiện có của Linux/GNU thành một hệ điều hành "Linux Việt nam" đòi hỏi một sự làm việc vô cùng gian khổ, quên mình, tâm huyết và sáng tạo. Vấn đề ở đây không phải chỉ là "tiền", vì nếu chỉ lấy tiền để tạo ra "Linux Việt nam" thì, thứ nhất, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ tiền để làm việc này và thứ hai, sản phẩm chỉ vì tiền sẽ không thể là một sản phẩm với độ tin cậy và chất lượng cao. Câu trả lời cho câu hỏi trên dành cho các chuyên gia Tin học trẻ của Việt nam. Hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả các bạn trẻ sẽ đồng thanh trả lời có.

Khi nào cần thiết phải làm?

Không thể có một câu trả lời nào khác ngoài "phải làm ngay từ bây giờ!". Bắt đầu từ bây giờ cũng đã là muộn. Nhưng muộn còn hơn là không bao giờ. Cơ hội vẫn đang còn và theo thời gian thách thức của chúng ta sẽ ngày càng lớn hơn. Hôm nay là 300 MB mã nguồn, có thể trong nay mai, con số này sẽ tăng lên gấp đôi và còn hơn thế nữa.

Cần làm những gì?

Theo tôi, có 3 việc tối thiểu và bắt buộc phải làm vì chúng đều là tối quan trọng với vấn đề đang đặt ra:

1- Trước hết và đầu tiên, Linux Việt nam sẽ không bao giờ có và phát triển nếu Internet của Việt nam không phát triển. Mở rộng và phát triển Internet, cải thiện tình trạng hiện thời của Internet Việt nam là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Công nghệ thông tin Việt nam, trong đó có Linux.

2- Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và đầu tư ban đầu. Hiện tại Việt nam chúng ta còn nghèo, vốn hầu hết nằm trong tay nhà nước, do đó sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư ban đầu của nhà nước cho các công việc lớn là rất quan trọng. Chúng đóng vai trò là những cú "hích" ban đầu. Sau khi đã có đà, các công ty, đơn vị sẽ tự phát triển.

3- Cần phát động phong trào "Linux hóa" rộng khắp trong các lĩnh vực liên quan đến Công nghệ thông tin, đặc biệt trong các trường đại học. Cần đưa ngay Linux vào chương trình học bắt buộc trong các khoa CNTT trên phạm vi cả nước. Cần tuyên truyền, cổ động và phân tích những lợi thế và ích lợi do Linux mang lại cho Công nghệ thông tin nói riêng và kinh tế Việt nam nói chung.

Cách thực hiện như thế nào?

Về khái niệm "đưa Linux vào Việt nam" thực tế bao gồm hai quá trình hoàn toàn đối lập và khác nhau: (1) Nhập các phiên bản thương mại Linux hiện có trên thế giới vào Việt nam và (2) Viết các họ sản phẩm "Linux Việt nam". Cả hai khuynh hướng trên đều mang lại các lợi ích rõ rệt cho nền kinh tế Việt nam, giảm nhẹ đối trọng đối với Microsoft Windows. Bài viết này định hướng độc giả đến khuynh hướng thứ hai. Con đường đi của Linux Việt nam còn đang nằm ở phía trước, Sù còn gặp nhiều trở ngại, chông gai. Ngay từ bây giờ chưa ai có thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên điều mà tôi thấy rõ nhất là những thử thách to lớn của nội lực công nghệ tin học Việt nam. Chúng ta đã mất trên 10 năm mà không thể giải quyết được triệt để bài toán tiếng Việt trên máy tính (mặc dù nhà nước đã bỏ ra khá nhiều tiền của), hậu quả trầm trọng của nó giờ đây ai cũng thấy rõ. Bây giờ đến lượt bài toán Linux. Liệu chúng ta có lặp lại những "khó khăn" và "sai lầm" như đối với tiếng Việt hay không? Nên nhớ rằng bài toán "Linux Việt nam" có qui mô và tầm cỡ lớn gấp nhiều lần so với bài toán "tiếng Việt trên máy tính".

7. Một số vấn đề với Linux/GNU

Tuy nhiên không phải mọi vấn đề đối với Linux đều thuận buồm xuôi gió như chúng ta suy nghĩ.



- Các ràng buộc chặt chẽ của luật Bản quyền Sở hữu Công cộng GPL mà chúng ta bắt buộc phải tuân theo sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho việc phát triển Linux và các ứng dụng của chúng. Các công ty phát triển hệ điều hành Linux tại Việt nam sẽ phải tuân thủ toàn bộ các điều kiện của GPL/GNU. Như vậy giá của một hệ điều hành Linux Việt nam (đóng gói trên một vài CD) sẽ chỉ được dao động trong khoảng từ 5 - 30 USD. Ðể các công ty này phát triển được thị trường phải rất lớn, điều này rất ít hiện thực tại Việt nam.

- Các ứng dụng mã nguồn mở phát triển trên Linux hiện nay rất đa dạng, tuy nhiên vẫn thiếu vắng những phần mềm có tính chuyên nghiệp cao.

Một điều rất may mắn cho cộng đồng Linux là vào ngày 19-8-2000, Sun Microsystem đã tuyên bố sẽ đưa bộ Star Office vào chuẩn GPL/Linux/GNU. Mã nguồn mở của Star Office sẽ được công bố trên mạng vào ngày 13-10-2000.

Ðây thực sự là một thông tin tốt lành vì Star Office là bộ phần mềm chuyên nghiệp có chất lượng cao đầu tiên gia nhập cộng đồng mã nguồn mở GNU. (Trước đó Netscape cũng công bố mã nguồn mở cho trình duyệt của mình nhưng không phải GNU/GPL). Toàn bộ thông tin về Star Office có thể tham khảo từ địa chỉ http://www.openoffice.org. Hy vọng rằng Việt nam chúng ta trong tương lai sẽ có một bộ phần mềm văn phòng của Việt nam hoàn toàn việt hóa và cạnh tranh được với Microsoft Office.

- Hiện tại đang có nhiều môi trường đồ họa trên Linux, trong số đó nổi tiếng nhất là GNOME và KDE. Ðể có thể thực sự phát triển các ứng dụng đồ họa cạnh tranh với Microsoft cần có một môi trường chuẩn đồ họa với các công cụ lập trình mạnh. Hiện tại thế giới Linux đang nỗ lực theo hướng phát triển này.

Tại triển lãm LinuxWorld Expo 2000 vừa qua được tổ chức tại SAN JOSE, Mỹ từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 8, một số các công ty lớn như IBM, HP, Compaq, Eazel, Redhat, Sun Microsystem, Turbo Linux, VA Linux, Quĩ FSF (của GNU) đã tuyên bố ủng hộ cho Quĩ GNOME để GNOME trở thành chuẩn cho giao diện đồ họa trên Linux. Quyết định này là một bước tiến lớn của việc đưa Linux đến gần hơn với người sử dụng bình thường. Như vậy cùng với việc Star Office tham gia GPL/GNU, quyết định trên tạo cho chúng ta một vững tin lớn hơn trong việc tạo ra một hệ điều hành Linux cho mọi gia đình, mọi PC.

- Một trong những vấn đề nan giải nhất của việc đưa Linux đến mọi PC là hiện tại Linux vẫn còn là hệ điều hành "cho các chuyên gia" và tương đối khó sử dụng. Hy vọng rằng trong một tương lai gần Linux sẽ ngày càng trở nên thân thiện hơn đối với tất cả mọi người.

8. Linux và Internet: Hai thái cực

Một vấn đề Như đã trình bày trong các phần trên của bài viết này, sự phát triển của Linux gắn liền với sự phát triển của Internet. Nếu không có Internet, chắc chắn chúng ta không thể có Linux hôm nay. Mặt khác, với trên 1 triệu Web Site trên Internet (khoảng 40%) có máy chủ sử dụng Linux, có thể nói rằng Công nghệ của Internet ngày nay gắn liền và không thể tách rời khỏi Linux. Sự gắn kết giữa Linux và Internet đã quá rõ ràng, vậy thì vì sao lại nói rằng chúng là "Hai thái cực, Một vấn đề", điều tôi muốn đưa ra ở đây chỉ là một suy nghĩ nhỏ và chỉ liên quan đến Việt nam chúng ta.

Các đặc điểm "giống nhau" giữa Linux và Internet

Trước hết phải thấy rằng Linux và Internet đều có những đặc điểm chung rất đặc biệt sau đây:

1. Linux và Internet đều là những sản phẩm công nghệ không phải của một cá nhân, một tổ chức hay công ty, mà là của một cộng đồng các chuyên gia lớn có qui mô rộng khắp trên thế giới. Sức mạnh công nghệ của Linux và Internet, chắc các bạn đã thấy rõ, là sức mạnh của một tập thể lớn và phát triển rất nhanh với một tốc độ chóng mặt. Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tin học đều có nhận xét rằng chỉ sau một vài tháng, lượng thông tin và sức mạnh của Internet (hay Linux) sẽ lại tăng gấp đôi. Không thể có một ngành công nghiệp nào khác có được sự tăng trưởng như đối với Linux và Internet được.

2. Linux và Internet đều là những sản phẩm với công nghệ cao nhất của Tin học hiện đại. Hay có thể nói, Linux và Internet là đỉnh cao nhất của các công nghệ Tin học vì nó kết hợp được toàn bộ sức mạnh về trí tuệ và công nghệ của một tập thể lớn các chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Rất nhiều các phát minh công nghệ mới bắt nguồn từ Internet và Linux.

3. Linux và Internet đều là những mô hình của sự phát triển mở, tự do, không nằm trong sự quản lý ép buộc của bất cứ cơ quan, công ty hay chính phủ nào. Như chúng ta đều biết, lịch sử phát triển của Internet gắn liền với quá trình hình thành các chuẩn công nghệ thông qua các tài liệu RFC (Request For Comments). Các tài liệu RFC này được truy nhập, tải xuống, chỉnh sửa và đưa lên hoàn toàn tự do, miễn phí. Thông qua hệ thống RFC, hàng ngàn các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ đã góp phần thực sự của mình vào sự phát triển của công nghệ Internet.

Mô hình phát triển của Internet với RFC thực sự để chúng ta suy ngẫm và nhìn rõ hơn quá trình phát triển của một "thần kỳ" công nghệ của loài người trong thế kỷ 20. Tương tự như vậy, Linux đang trải qua sự phát triển hoàn toàn giống như Internet cách đây 30 năm nhưng với một qui mô rộng lớn hơn và phạm vi bao gồm cả công nghệ và mã chương trình mở. Ðiểm khác biệt duy nhất giữa Internet và Linux: Internet chỉ là "công nghệ mở", còn Linux thì cả "công nghệ mở" và "mã nguồn mở".

4. Một đặc điểm chung nữa rất thú vị giữa Linux và Internet là ở chỗ cả hai công nghệ này đều phát triển ban đầu từ những nhà khoa học hoặc các chuyên gia hẹp và theo thời gian chúng phát triển, phát triển và bùng nổ cho mọi đối tượng người sử dụng. Qui luật này cũng dễ hiểu khi chúng ta nhìn lại suốt quá trình hình thành và phát triển của chúng. Internet được nghiên cứu và phát triển lần đầu tiên vào năm 1969, nhưng phải tới những năm 1994, 1995 nó mới thực sự bùng nổ và phát triển với qui mô như hiện nay. Còn Linux .... chúng ta sẽ đợi đến ngày phát triển thực sự của nó đến từng gia đình, phòng làm việc và đến từng máy tính.

5. Ðặc điểm cuối cùng và là đặc trưng nổi bật nhất của Linux và Internet là ở tính "miễn phí" hay "hầu như không phí" của chúng. Thật vậy khoảng hơn 95% thông tin trên Internet là miễn phí. Có lẽ không thể đánh giá được cái giá mà chúng ta thụ hưởng được từ Internet và Linux.

Linux và Internet cho chúng ta cái gì?

Vậy thì Internet và Linux cho chúng ta những gì?

1- Trước hết Linux và Internet cho phép chúng ta có thể tiếp cận trực tiếp với những công nghệ Tin học hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, hoàn toàn kịp thời và không chậm trễ theo thời gian. Việc tiếp cận này không chỉ ở mức độ tìm hiểu, mà còn có khả năng nắm bắt, điều chỉnh và làm chủ hoàn toàn công nghệ. Làm chủ các công nghệ này là một đảm bảo chắc chắn cho việc không bị tụt hậu về công nghệ so với thế giới như trong các thời gian trước đây của chúng ta.

2- Linux và Internet hoàn toàn miễn phí. Với những đỉnh cao của công nghệ như đã nói ở trên, đúng ra chúng ta sẽ phải trả các khoản chi phí rất lớn để có chúng. Vấn đề đặt ra hoàn toàn tương tự như với các thiết bị công nghệ sản xuất và tiêu dùng mà chúng ta đã và đang bắt buộc phải bỏ tiền ra để có chúng hay vấn đề sở hữu trí tuệ phần mềm mà trước sau chúng ta cũng phải tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế. Ðây là một thời cơ và là thuận lợi có một không hai đối với chúng ta. Chỉ cần chậm trễ một nhịp, chỉ cần một quyết sách không dứt khoát, đúng đắn có thể sẽ đưa đất nước của chúng ta lùi xa và tụt hậu hàng chục năm so với thế giới.

3- Linux và Internet cho phép chúng ta học tập, làm quen và tiếp cận trực tiếp với những chuyên gia số một trên thế giới về công nghệ thông tin, khả năng trao đổi thông tin, liên kết, khả năng tham gia trực tiếp của đội ngũ chuyên gia Tin học của Việt nam vào những diễn đàn, hội thảo, triễn lãm quốc tế.

4- Có thể nói công nghệ của Internet và Linux là kết tinh của trí tuệ loài người trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Không phải chỉ có 30 năm nghiên cứu của Internet và 7 năm phát triển của Linux, mà thực chất chúng là những tinh hoa công nghệ được đúc kết qua rất rất nhiều thế hệ, là kết quả của cả một lịch sử phát triển khoa học công nghệ của xã hội con người. Khoa học và Công nghệ là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội và Internet và Linux đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển đó.

5- Internet đóng vai trò nền tảng, cơ sở hạ tầng của xã hội thông tin, Linux là hệ điều hành, là cái lõi của mọi máy tính dùng để truy nhập xã hội thông tin đó. Do vậy Internet và Linux đã cho chúng ta những công nghệ nền tảng nhất của Công nghệ thông tin trong tương lai. Nắm bắt được các công nghệ này, chúng ta mới thực sự làm chủ được công nghệ thông tin của chính chúng ta và không bị phụ thuộc vào các nước khác.

Hiện tại tình trạng phát triển Internet và Linux tại Việt nam ra sao? Vì sao lại là "Hai thái cực"?

Vì sao lại là "Hai thái cực"

Thật vậy:

1- Trước hết, chúng ta nhìn thấy rất rõ nét cộng đồng người Việt nam nói chung và Công nghệ Thông tin nói riêng rất hào hứng và có nhu cầu thực sự tham gia Internet, trong khi đó Linux thì ... không! Có thể đếm trên đầu ngón tay những trung tâm hay cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về Linux tại Việt nam. Quả thật là khó hiểu khi phải lý giải điều này.

2- Trong khi Linux bị "bỏ rơi" tại Việt nam thì Internet lại được quan tâm một cách thái quá ... đến mức ta có cảm tưởng rằng mọi ngả thông tin thông ra Internet đều được kiểm soát chặt chẽ. Ngày nay, chuyện "dạo chơi" trên Internet hầu như chỉ còn là trong mơ. Ta luôn cảm thấy sự chật trội, chen chúc, ách tắc thường xuyên xảy ra trên Internet và có rất nhiều cổng bị khóa trái lại không cho vào!

3- Hãy xét về giá cả. Linux - hoàn toàn miễn phí, trong khi đó giá sử dụng Internet tại Việt nam thì quá cao đến mức không thể chấp nhận được. Cùng với sự chậm, ách tắc thường xuyên xảy ra trên mạng, mức giá Internet hiện nay là vật cản chủ yếu của sự tăng trưởng Internet tại Việt nam.

4- Các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo chí, truyền hình) của chúng ta thời gian gần đây đã nói rất nhiều đến Internet (còn Linux thì chưa). Chúng ta nói nhiều đến các dịch vụ thương mại điện tử, đến những công nghệ tân kỳ mới nhất, đến những vụ sì căng đan virus, những câu chuyện giật gân trên Internet, ... tuy nhiên chúng ta chưa hoặc rất ít nói đến những ích lợi chủ yếu mà Internet hay Linux có thể mang lại cho đất nước và con người chúng ta. Ðó là tính miễn phí của các hầu hết toàn bộ thông tin có trên Internet, là ích lợi của việc trao đổi thông tin trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài, là sự tiếp cận với hàng ngàn kho dữ liệu thông tin khoa học, sách, báo, tạp chí trực tuyến trên Internet, là khả năng tham gia trực tiếp vào các đề án nghiên cứu khoa học, khả năng phát hiện, đóng góp chất xám của người Việt nam, đặc biệt là thế hệ trẻ vào guồng máy phát triển công nghệ như vũ bão trên thế giới, là khả năng học hỏi, học tập, tham gia vào hàng ngàn chương trình đào tạo miễn phí hoặc phí thấp của các trường đại học, các viện nghiên cứu trên khắp thế giới. Có thể nói rằng Internet là phương tiện duy nhất có khả năng làm giảm khoảng cách tụt hậu về công nghệ giữa chúng ta và thế giới.

Và "Một vấn đề"

Linux và Internet tại Việt nam đang là "Hai thái cực" của "Một vấn đề". Vậy thì đó là vấn đề gì vậy?

Câu trả lời rất đơn giản.

Linux và Internet chính là chiếc gương phản chiếu, hay thước đo cho Một vấn đề, đó là khả năng, nội lực công nghệ Tin học của một quốc gia. Hãy nhìn vào sự phát triển của Internet và Linux của một đất nước, ta sẽ hiểu được tiềm năng thực sự của quốc gia đó.

Chúng ta hãy thử nhìn vào chính bản thân mình. Hãy tìm một so sánh đơn giản với đất nước Trung quốc là một quốc gia có nhiều điểm chung đối với chúng ta. Trung quốc hiện có khoảng 20 triệu thuê bao Internet, so với khoảng 100000 thuê bao của Việt nam. Những con số đó nói lên điều gì? Ðất nước Trung quốc có số dân gấp 20 lần Việt nam nhưng số người dùng Internet lại gấp 200 lần Việt nam! Trung quốc có mức thu nhập bình quân đầu người gấp 3 lần Việt nam, nhưng tỷ lệ sử dụng Internet lại gấp 20 lần Việt nam!. Về Linux, Trung quốc cũng đã đi trước Việt nam chúng ta tối thiểu là 3,5 năm. Nếu như tính bình quân, công nghệ Tin học sau mỗi 6 tháng tăng gấp đôi lượng thông tin thì như vậy Trung quốc đang ở phía trước của chúng ta khoảng 2 x 2 x 2 x 2 x 2 x 2 x 2 = 128 lần! Vấn đề đã trở nên rõ ràng. Cần phải giải quyết càng sớm càng tốt chuyện "Hai thái cực" và phát huy nội lực tối đa cho "Một vấn đề".

Thời cơ chúng ta đang có và nguy cơ tụt hậu cũng đang có rất nhiều. Chúng ta sẽ chọn cái gì? để đạt cái gì và mất cái gì? Theo tôi tất cả chỉ phụ thuộc vào chính chúng ta mà thôi.

Tác giả: Bùi Việt Hà Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Kỹ thuật Quân sự

Chính sự phát triển không đồng bộ này đã cản trở sự phát triển và thống nhất ngay trong chính bản thân các nhà lập trình phát triển UNIX. Ngày nay Linux đã có một thể chế luật pháp hoàn toàn khác hẳn. Linux ra đời và phát triển trong khuôn khổ chương trình GNU, một chương trình phát triển rất nhanh và ngày nay đã trở thành một phong trào mang tính quốc tế sâu rộng. Linux chính là cái "lõi" của hiệp hội GNU này. Chúng tôi sẽ trình bày kỹ về GNU trong mục sau. Chỉ nhắc lại ở đây rằng chính nhờ có GNU, sự phát triên của Linux ngày nay đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết của cộng đồng những cá nhân và tổ chức phát triển Linux. Có thể có hàng triệu chuyên gia lập trình cùng đồng thời nghiên cứu và phát triển Linux. có thể có hàng trăm công ty thương mai đưa ra thị trường các hệ điều hành "kiểu Linux" khác nhau, nhưng tất cả chúng đều có chung và thống nhất một lõi của hệ điều hành, đó là Linux.

- Vấn đề cuối cùng chúng tôi muốn nói ở đây, có liên quan đến một trong những sự kiện nổi bật nhất của công nghiệp phần mềm trong một vài năm trở lại đây, đó là sự kiện về sự phát triển mạnh mẽ không ngờ của Microsoft với hệ điều hành Windows và vụ án thế kỷ liên quan đến luật chống độc quyền của Mỹ. Không chỉ riêng nước Mỹ, mà toàn thế giới đã từ lâu quan sát và nhận ra thế mạnh độc quyền của Microsoft với hệ điều hành Windows trên các máy tính PC. Theo thời gian, Microsoft đã lần lượt đánh bại tất cả các đối thủ cạnh tranh của mình, đó là IBM với OS/2, đó là Apple với Mac, đó là Sun với Solaris, đó là Novell với Netware,...Microsoft với ông "vua" của mình, Bill Gate, đã trở thành người giàu có nhất hành tinh, còn trong thế giới phần mềm, người ta gọi ông ta và hãng của mình là "Quỉ Sa tăng”. Mỗi khi Microsoft càng trở nên mạnh, càng trở nên độc quyền thì những người ủng hộ cho Linux càng đoàn kết lại, trở thành một lực lượng đối trọng duy nhất của Windows. Ðây có lẽ cũng là một nguyên nhân làm cho Linux càng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, càng có nhiều người tham gia và phát triển nhiều hơn. Linux cùng với GNU đã trở thành một trào lưu, một xu thế không thể cưỡng lại được của Tin học trong thời đại ngày nay.

Ðể lý giải cho sự thành công hiện nay của Linux, nhiều người đã phải vin vào các lý do định mệnh. Thật vậy có rất nhiều yếu tố được kết hợp một cách ngẫu nhiên và hài hòa đến kỳ lạ. Nếu như Linus viết và đưa ra Linux chỉ một vài năm sớm hơn thôi, khi mạng Internet chưa phát triển như vậy thì không hiểu Linux sẽ đi đến đâu.

Người ta lo sợ rằng nếu như vậy Linux sẽ nhanh chóng bị quyên lãng. Một điều kỳ diệu khác nữa: khi Linus Torvalds đưa ra phiên bản Linux lần đầu tiên đúng vào thời điểm cộng đồng GNU và toàn thế giới đang rất mong chờ một hệ điều hành như vậy, vào thời điểm đó một tư duy bình thường cũng chỉ ra được rằng Linus sẽ là tỷ phú đô la trong một thời gian ngắn sắp tới. Thế nhưng, tính "ngang ngạnh" và "bất bình thường" của chàng sinh viên Phần lan đã đưa anh đến một quyết định "kỳ quặc", đó là miễn phí hoàn toàn với mã nguồn mở. Ðiều kỳ diệu này ngày hôm nay chúng ta mới thấm hiểu.

Còn một điều nữa cũng kỳ lạ không kém, đó là việc Linus đã chọn "nhầm" con chíp 80386 làm tiền đề cho hệ điều hành của mình. Trên thực tế, Linus chỉ đơn giản là muốn viết một hệ điều hành cho riêng mình, vào thời kỳ đó chip 80286 đang là phổ biến và dễ hiểu, còn 80386 còn mới mẻ. Rất nhiều người đã khuyên Linus chọn 80286 để thuận tiện hơn khi viết. Thế nhưng Linus đã chọn 80386, để ngày hôm nay chúng ta có một hệ điều hành đa nhiệm thực sự.

VnExperts Academy
SHARE

The Blues

Wellcome to my blog

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment